- Chọn đất và kỹ thuật làm đất:
– Chọn đất: Đất thịt nhẹ hoặc cát pha, nhiều mùn, khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt, không nhiễm phèn; Đất đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định (phụ lục 1).
– Kỹ thuật làm đất: Cày phơi ải đất sau khi đã vệ sinh đồng ruộng. Sau 10 ngày phơi đất, cày lại lần 2. Sau cày lần 2 khoảng 7 ngày, bón lót toàn bộ lượng phân chuồng kết hợp cày lại lần 3. Sau đó lên luống cao 20cm, rộng 90- 100cm, rãnh 20-25cm, phủ màng (bạt) và đục lỗ theo qui cách: cây x cây 30- 40cm.
- Chọn giống và kỹ thuật gieo trồng:
– Chọn giống: Hiện nay, có rất nhiều giống dưa leo như giống dưa leo của Trang Nông, Phú Nông, Hai Mũi Tên Đỏ, …. và các giống nhập nội từ Thái Lan (G7), Nhật Bản, …
– Lượng giống: 50 – 60 g hạt/sào.
– Kỹ thuật gieo trồng: Có 2 cách:
+ Trồng bằng hạt: Ngâm nước, sau đó mang đi ủ cho nảy mầm rồi đem ra ruộng gieo trồng. Mỗi lỗ gieo 1 hạt, dành một lượng giống nhỏ gieo trong bì nilon để trồng dặm.
+ Trồng bằng cây con: Gieo hạt trong bầu cho nảy mầm. Khi cây con đủ tiêu chuẩn mang trồng ngoài ruộng.
Tiêu chuẩn lựa chọn giống xuất vườn:
Giống | Độ tuổi (ngày) | Chiều cao cây (cm) | Đường kính cổ rễ (mm) | Số lá thật | Tình trạng cây |
Dưa leo | 7 – 10 | 8 – 10 | 1,5 – 2,0 | 2 – 3 | Cây khoẻ mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh |
- Thời vụ:
– Đông Xuân: Xuống giống từ 15/11 đến tháng 2
– Hè Thu: Thường không thích hợp, khó trồng.
– Vụ 3: Từ tháng 8 đến tháng 10.
- Phân bón và kỹ thuậtbón phân:
– Lượng phân và thời điểm bón phân như sau:
Lượng phân bón cho 500 m2
Cách bón | Thời điểm bón | Lượng phân (kg) | ||||
Phân chuồng | Lân
(Văn Điển) |
Urea | DAP | NPK
(20-20-15) |
||
Bón lót | Trước khi cày lần 3 | 500 | 20 | 0 | 5 | 5 |
Bón thúc lần 1 | Sau gieo 20-25 ngày | 0 | 0 | 2 | 3 | 0 |
Bón thúc lần 2 | Sau gieo 35-40 ngày | 0 | 0 | 2 | 0 | 5 |
Tổng | 500 | 20 | 4 | 8 | 10 |
Ghi chú: Nếu không có phân chuồng hoai mục thì có thể thay thế bằng 50 kg phân hữu cơ vi sinh.
– Kỹ thuật bón phân: Hòa phân với nước và tưới đều theo rãnh để phân thấm dần vào gốc dưa leo; Hoặc bón thúc bằng cách vén màng phủ lên, rạch hàng rải phân theo hàng dưa leo cách gốc từ 15-20 cm và phủ đất lại; Hoặc đục lỗ khoảng giữa hai gốc dưa leo để bón phân vào, sau đó phủ màng lại.
- Tưới nước và chăm sóc:
– Nước tưới: Chỉ sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất (tưới, rửa và xử lý sau thu hoạch).
– Tưới nước: Cần tưới nước ngay sau khi trồng để cây con không bị héo. Sau đó tuỳ theo điều kiện thời tiết và tuổi cây mà điều chỉnh lượng nước tưới và số lần tưới. Thường tưới 2 lần/ngày (sáng và chiều).
Sau trồng khoảng 20-25 ngày, nên tưới nước theo rãnh (Tuỳ theo điều kiện thời tiết mà 3-7 ngày tưới rãnh một lần).
– Làm cỏ: Kịp thời, không để cỏ mọc nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và dễ nhiễm sâu bệnh.
– Làm giàn: Có 2 cách:
+ Không dùng lưới: Dùng cây choái cắm thẳng và đối xứng tạo thành “giàn chữ X”.
+ Dùng lưới: Đóng cọc theo hàng với khoảng cách 1,6 m/cọc (đóng đối xứng). Sau đó dùng dây kẽm buộc 2 đầu cọc, tiến hành phủ lưới (giàn dạng chữ I và chữ V ngược).
Giàn chữ X |
Giàn “chữ V ngược” |
Giàn chữ I |
- Phòng trừ sâu bệnh:
6.1. Các loại sâu hại chính:
– Nhóm sâu miệng nhai gặm: Sâu xám (Agrotis ypsilon), sâu khoang (Spodoptera litura), sâu xanh 2 sọc trắng (Diaphania indica), bọ dưa (Aulacophora similis): Thường tập trung cắn phá lá, đọt non và quả.
– Nhóm sâu chích hút: Bọ phấn (Bemisia sp.), rầy mềm (Gossypii glover), sâu vẽ bùa (Liriomyza trifoli), bọ trĩ (Thrips sp.): Thường chích hút lá, đọt non, hoa, quả, … làm lá quăn queo, rụng hoa, đậu quả kém, quả bị méo mó.
– Nhện đỏ (Oligonychus sp.): Thường gây hại trong mùa nắng. Nhện đỏ tập trung ở mặt dưới lá, chích hút nhựa cây làm lá quăn queo, khô cháy, thường gây hại ở lá già.
– Ruồi đục quả (Bactrocera cucurbitea): Ruồi trưởng thành cái dùng vòi đẻ trứng chích vào vỏ quả để đẻ trứng vào bên trong. Trứng nở ra ấu trùng ăn vào thịt quả khổ qua gây vàng, thối từng chòm. Quả non bị hại thường bị thối và rụng sớm, quả già bị hại thường méo mó.
* Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
– Luân phiên cây trồng khác họ bầu bí, họ cà, …
– Tưới nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để rửa trôi trứng sâu, ấu trùng bọ rùa, nhện đỏ…
– Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên thu gom quả bị ruồi gây hại đem tiêu hủy để giảm mật số ruồi trên đồng ruộng.
– Sử dụng giấy hoặc bao quả chuyên dụng bao khi quả còn nhỏ để ngăn ruồi đục quả gây hại.
– Bảo vệ các loài thiên địch.
– Kiểm tra thăm đồng ít nhất 2 lần/tuần để đánh giá mật độ xâm nhiễm và nguy cơ để đưa ra quyết định phun thuốc.
– Sử dụng thuốc phòng trừ: Xem danh mục thuốc BVTV trong phần phụ lục.
6.2. Các loại bệnh hại chính:
– Bệnh lở cổ rễ (chết ẻo cây con do nấm Rhizoctonia sp., Fusarium sp., Pythium sp., Phytophthora sp., …): Thường gây hại nặng vào mùa mưa, ruộng ẩm ướt. Bệnh chủ yếu gây hại phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất làm cổ rễ, gốc bị teo tóp, cây héo và chết.
– Bệnh thán thư (Colletotrichum sp.): Bệnh thường xuất hiện ở khắp các bộ phận của cây: lá, thân, hoa, quả. Vết bệnh đầu tiên là những đốm tròn màu nâu đen, úng nước, sau đó tạo những vết có dạng hình tròn đồng tâm. Nếu bệnh xuất hiện trên thân, nhánh thì lớp vỏ ngoài sẽ bị màu nâu đen, trên bề mặt vết bệnh thường hay lõm vào thân, nhánh thường bị teo tóp, khô. Nếu hoa quả bị bệnh thì cũng sẽ xuất hiện màu nâu đen và thường bị rụng sớm.
– Bệnh phấn trắng (Erysiphe sp.): Triệu chứng ban đầu là xuất hiện các vết đốm vàng trên lá và thân cây, dần dần những đốm vàng này chuyển sang màu trắng bao phủ toàn bộ lá và thân cây. Bệnh phát triển ngày càng nặng sẽ khiến lá và quả của cây khô cháy, rụng, làm giảm năng suất.
+ Bệnh giả sương mai: Do nấm (Peronospora cubensic): Bệnh chủ yếu gây hại trên lá, lá già thường bị hại trước. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xám nhạt, hình đa giá hoặc hình bất định, sâu chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt. Vết bệnh nằm rải rác hoặc nằm dọc theo gân lá, thường góc cạnh vết bệnh được giới hạn bỡi gân lá. Bệnh hại nặng làm lá bị khô và chết.
– Bệnh khảm (do virus): Cây bị bệnh thường có lá xoăn, khảm, chùn ngọn, cây thấp lùn. Bệnh nặng, hoa và quả bị dị dạng, hoa rụng nhiều, ít đậu quả.
* Quản lý bệnh: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
– Vệ sinh vườn sau thu hoạch.
– Làm đất kỹ, lên luống cao dễ thoát nước.
– Chọn giống tốt, sạch, có khả năng kháng bệnh tốt.
– Trồng với mật độ hợp lý, tránh trồng quá dày dễ làm cho bệnh gây hại nặng.
– Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón kali.
– Bón phân chuồng hoai mục có bổ sung nấm Trichoderma
– Kiểm tra thăm đồng ít nhất 2 lần/tuần để đánh giá mức độ xâm nhiễm và nguy cơ để đưa ra quyết định phun thuốc.
– Sử dụng thuốc phòng trừ: Xem danh mục thuốc BVTV trong phần phụ lục. Trường hợp bệnh hại nặng có thể phun thuốc thêm 1-2 lần, mỗi lần phun cách nhau 5-7 ngày (lưu ý thời gian cách ly, ngưng bón phân đạm và hạn chế nước tưới).
– Riêng đối với bệnh khảm do virus: Hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên chỉ phòng bệnh bằng cách phòng trừ môi giới truyền bệnh là các loại côn trùng chích hút.
- Thu hoạch: Thông thường thu hoạch lần đầu khoảng từ 35-40 ngày. Dưa leo thu hoạch khi quả đủ lớn, vỏ màu xanh mượt, còn lớp phấn trắng, quả suông đẹp và đều, đầu quả cánh hoa chưa rụng. Thời gian thu trái kéo dài 20-30 ngày, thu cách ngày 01 lần (lúc cao điểm quả rộ có thể thu mỗi ngày). Phải sử dụng các vật dụng chứa quả trong lúc thu hoạch tránh tiếp xúc trực tiếp với đất.