- Chọn đất và kỹ thuật làm đất:
– Chọn đất: Cây xà lách có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, đảm bảo thoát nước tốt; đất phải đủ tiêu chuẩn về độ an toàn theo quy định (phụ lục 1).
– Kỹ thuật làm đất: Cày ải lần 1 phơi đất sau khi đã vệ sinh đồng ruộng, sau đó 10 ngày tiến hành cày trở lại lần 2. Sau cày lần 2 khoảng 7 ngày, cày lại thật kỹ lần 3, làm đất bằng phẳng, tiến hành lên luống cao 10 – 15 cm, rộng 80 – 90 cm, rãnh giữa hai luống rộng 20 – 30 cm.
- Chọn giống và kỹ thuật gieo trồng:
– Chọn giống: Hiện nay có nhiều giống xà lách để lựa chọn như: xà lách mỡ (giống địa phương), xà lách mỹ trắng, xà lách tím, xà lách Romain, Lolo, …
– Kỹ thuật gieo trồng: Hiện có 2 cách trồng:
+ Trồng bằng hạt: Lượng giống: 200 – 300 gam hạt/sào. Kỹ thuật gieo trồng: Trộn hạt giống với ít đất chia đều cho các luống, sau đó rải theo luống rồi phủ lại bằng rơm rạ.
+ Trồng bằng cây con: Mật độ, khoảng cách và phương pháp trồng: Hàng x hàng 15-25 cm, cây x cây 15-20 cm tùy giống. Trồng cây vào lúc chiều mát, trồng xong cần tưới đủ ẩm để cây con nhanh chóng phục hồi. Khoảng 5 ngày sau khi trồng, kiểm tra vườn và trồng dặm những cây yếu, cây chết để đảm bảo mật độ.
Tiêu chuẩn lựa chọn giống xuất vườn:
Giống | Độ tuổi
(ngày) |
Chiều cao cây (cm) | Đường kính cổ rễ (mm) | Số lá thật | Tình trạng cây |
Xà lách | 20-25 | 8-10 | 1,5-2,0 | 4-6 | Cây khoẻ mạnh, không bị dập, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh |
- Thời vụ: Xà lách (không cuộn) gieo trồng được quanh năm. Thích hợp và cho năng suất cao trong vụ Đông Xuân. Nếu trồng trong mùa mưa phải có giàn mái che
- Phân bón và kỹ thuật bón phân:
Lượng phân dùng cho 500 m2
Cách bón | Thời điểm bón | Lượng phân (kg) | |||
Phân chuồng | Vôi | Urea | DAP | ||
Bón lót | Cày lần 3 | 500 | 0 | 0 | 0 |
Bón thúc lần 1 | Sau gieo 15 ngày | 0 | 0 | 2 | 4 |
Bón thúc lần 2 | Sau gieo 25 ngày | 0 | 0 | 1 | 4 |
Tổng | 500 | 0 | 3 | 8 |
Ghi chú: Nếu không có phân chuồng hoai mục thì có thể thay thế bằng 50 kg phân hữu cơ vi sinh.
– Kỹ thuật bón phân: Hòa phân với nước rồi tưới cho rau lúc chiều mát, sau đó tiến hành tưới lại bằng nước sạch để tránh cháy lá.
- Tưới nước và chăm sóc:
– Nước tưới: Chỉ sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất (tưới, rửa và xử lý sau thu hoạch).
– Tưới nước: Sau khi gieo hạt xong tiến hành tưới phun mưa để đủ ẩm cho hạt dễ nảy mầm. Sau đó tuỳ theo điều kiện thời tiết điều chỉnh lượng nước tưới và số lần tưới, tưới 2 lần/ngày (sáng, chiều); nếu thời tiết nắng nóng phải tưới 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều).
– Làm cỏ: Kết hợp kiểm tra chăm sóc tiến hành làm cỏ kịp thời, không để cỏ mọc nhiều ảnh hưởng sinh trưởng, phát triển của rau.
– Chăm sóc xà lách sau khi thu hoạch lần đầu: Sau thu hoạch chăm sóc tưới phân (lượng, loại phân của bón thúc lần 2), sau mỗi lần bón phân 15-20 ngày thu hoạch tiếp lứa tiếp theo.
- Phòng trừ sâu bệnh:
6.1. Các loại sâu hại chính:
– Sâu khoang (Spodoptera litura): Thường cắn phá lá và đọt non.
– Rầy mềm (Gossypii glover): Thường tập trung ở mặt dưới lá, đọt non để chích hút nhựa làm cây cằn cõi, lá vàng, quăn queo.
* Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
– Thăm đồng thường xuyên, ngắt ổ trứng (sâu khoang);
– Tưới phun mưa để rửa trôi trứng sâu, rầy mềm đồng thời tạo độ ẩm để nấm đối kháng phát triển, ký sinh sâu non.
– Tưới nước, giữ ẩm cho cây trồng trong điều kiện thời tiết mùa khô.
– Kiểm tra thăm đồng ít nhất 2 lần/tuần để đánh giá mức độ xâm nhiễm và nguy cơ để đưa ra quyết định phun thuốc.
– Sử dụng thuốc phòng trừ: Xem danh mục thuốc BVTV trong phần phụ lục.
6.2. Các loại bệnh hại chính:
– Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora): Vi khuẩn thường phát sinh trong điều kiện ẩm ướt. Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở cuốn lá già gần sát mặt đất, tạo thành các vết đốm mọng nước, sau đó thối nhũn và có mùi hôi.
– Bệnh lở cổ rễ (chết ẻo cây con do Rhizoctonia sp., Fusarium sp., Pythium sp., Phytophthora sp.…): Thường gây hại nặng trong điều kiện ẩm ướt đối với cây con. Bệnh chủ yếu gây hại phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất làm cổ rễ, gốc cây bị teo tóp, cây ngã đổ và chết.
* Quản lý bệnh: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
– Vệ sinh vườn sau thu hoạch, dọn sạch tàn dư cây trồng đem tiêu hủy để loại bỏ nguồn bệnh.
– Làm đất kỹ, lên luống cao để dễ thoát nước.
– Bón phân cân đối, không bón quá nhiều phân đạm.
– Bón phân chuồng hoai mục có bổ sung nấm Trichoderma (Nlu-tri), …
+ Sử dụng thuốc phòng trừ: Xem danh mục thuốc BVTV trong phần phụ lục.
- Thu hoạch: Thu hoạch khi rau đủ tuổi (khoảng 32-35 ngày).